Hà Nội: Mua bánh bao vỉa hè liệu có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm?
Bán bánh bao cũng là một nghề mưu sinh như bao nghề khác trên khắp các con phố Hà Nội. Bánh bao Hà Nội cũng đa dạng về chủng loại, hương vị và có những nét rất riêng phù hợp với khẩu vị của người dân Kinh thành.
Khắp các con đường, vỉa hè Hà Nội, ở đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp những tủ hấp bánh bao của những cửa hàng ăn vặt, hay những người bán bánh bao dạo trên chiếc xe đạp cũ kỹ.
Bánh bao nhân thịt nóng hổi, tỏa hương hấp dẫn. Bánh bao chay thuần vị. Bánh bao xá xíu đậm đà, tất cả đều trở thành bữa ăn sáng nhanh trong sự hối hả của cuộc sống hiện đại, hay bữa ăn phụ ấm lòng khi trời đông rét buốt.
Ngon là vậy, nhưng không phải ai cũng có thể lựa chọn cho mình những cửa hàng bán bánh bao có tâm, có đức. Quá nhiều những nhà sản xuất, bán buôn bánh bao vì chạy theo lợi nhuận mà dùng nhiều thủ đoạn để giảm giá thành sản phẩm, hay dùng hóa chất độc hại đưa vào bánh bao để tăng thời gian bảo quản, giảm chi phí giao hàng.
Liệu rằng một chiếc bánh bao giá rẻ, trắng tinh, bắt mắt có thực sự đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm? Đó là trăn trở của rất nhiều bạn. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu vấn đề này và trở thành những người tiêu dùng thông minh nhé:
1. Bánh bao trắng tinh làm từ chất tẩy trắng độc hại:
Bánh bao làm bằng bột mỳ theo cách truyền thống khi hấp lại thường có màu hơi đục, hấp càng lâu ở nhiệt độ cao thì màu càng ngả sang vàng
Nắm bắt được tâm lý khách hàng thích bánh bao trắng nghĩ là ngon và bánh mới hơn nên một số cơ sở sản xuất, giao bánh bao ở Hà Nội mua loại phụ gia tẩy trắng ở ngoài thị thường để cho vào bánh bao. Chỉ cần cho ít chất tẩy trắng với tỉ lệ 1 – 3% là làm bánh bao trắng tinh, trông rất bắt mắt.
Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết để tẩy trắng một số thành phẩm, một số cơ sở sản xuất bánh bao ở Hà Nội thường dùng đến chất tẩy trắng sunphit natri (Na2SO3). Sunphit natri tách ra thành SO2 là chất ôxi hóa mạnh, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cho người tiêu dùng như bệnh về đường ruột, gây viêm loét dạ dày. Ngoài ra, đây là một chất cực gây độc, có khả năng gây hại niêm mạc mắt, niêm mạc miệng, gây hại nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là đối với trẻ em.
2. Làm nhân bánh từ thịt lợn chết, ôi thiu.
Một số cơ sở sản xuất bánh bao vì lợi nhuận mua thịt lợn chết, hoặc thịt lợn ôi thiu về ngâm qua hóa chất rồi chế biến để làm nhân bánh bao.
Một công nhân ở cơ sở làm bánh bao Hà Nội cho biết: Nếu mua thịt rẻ thì mua thịt ế vào cuối buổi chiều hoặc mua thịt lợn chết tại chợ đầu mối., Giá thành sẽ rẻ đi 1,5-2 lần so với bình thường.
3. Bánh bao phủ bụi
Nhiều điểm bán bánh bao ở Hà Nội không có tủ giữ bánh, bánh được để ngoài, không che chắn, bụi đường bám vào vô cùng mất vệ sinh và mỹ quan. Bánh bao chưa hấp cần được giữ cẩn thận trong ngăn mát tủ lạnh và thời gian lưu trữ cũng cần tuân theo khuyến nghị của nhà sản xuất.
4. Công nghệ sản xuất bánh bao kinh khủng
Ngoài những vấn đề trên nhiều cơ sở sản xuất bánh bao ở Hà Nội không đáp ứng được yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm như khu làm là gian bếp xập xệ, ẩm thấp, mốc xanh mốc trắng. Những chiếc xô đựng đầy bột trắng, Dụng cụ làm bánh ngổn ngang không qua khâu rửa …Không có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng..
Vì lẽ đó, để trở thành người tiêu dùng thông thái, khi mua bánh bao trên đường phố Hà Nội bạn nên tìm hiểu kỹ lưỡng nhà sản xuất có uy tín chất lượng và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng thì mới mua.
5. Sử dụng thuốc bảo quản
Bánh bao được sản xuất theo phương pháp cổ truyền bánh bao tươi nếu không bảo quản tốt thì chỉ trong vòng 24h bánh bao có thể bị thiu mốc. Nếu được bảo quản tốt trong ngăn mát tủ lạnh thì bánh bao giữ được chừng 3 ngày, còn khi cấp đông đá thì bánh bao tươi có thể giữ được 1 tuần nhưng chất lượng sẽ giảm dần. Vì vậy, các bạn nên chọn những nhà sản xuất bánh bao tươi và giao hàng trong ngày thì sẽ có sản phẩm tốt nhé.